Vào ngày 31/10/2024, tại hội trường của Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không AESC, Mạng lưới Quản lý Giáo dục Không Biên Giới (EdulightenUp) đã phối hợp với Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không AESC tổ chức hội thảo đầy cảm hứng mang tên “HƯỚNG NGHIỆP QUA TRẢI NGHIỆM STEM: CASE STUDY TỪ LĨNH VỰC KỸ THUẬT HÀNG KHÔNG” Sự kiện này nhắm đến việc tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục STEM và hướng nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực Kỹ thuật Hàng không – một ngành công nghệ cao với tiềm năng phát triển lớn. Hội thảo thu hút hơn 70 đại biểu từ khắp các tỉnh thành, bao gồm các nhà quản lý giáo dục, giáo viên và những cá nhân quan tâm đến việc thúc đẩy hoạt động hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. Sự kiện diễn ra kết hợp trực tuyến và trực tiếp, mở ra cơ hội học hỏi và kết nối rộng rãi..
Buổi hội thảo bắt đầu với phần mở đầu từ ThS. Phan Anh - Giám đốc Hệ thống Giáo dục Genesis, đồng sáng lập và Trưởng ban chuyên môn EdulightenUp.
Sau phần giới thiệu nội dung và lịch trình, các đại biểu đã được tham quan trực tiếp khu vực bảo trì và sửa chữa thiết bị hàng không tại Công ty AESC. Tại đây, các chuyên gia AESC đã tận tình giải thích chi tiết về việc ứng dụng các môn học STEM như Vật lý, Hóa học, và Toán học vào từng khía cạnh trong kỹ thuật hàng không. Đại biểu không chỉ được tiếp xúc với quy trình sản xuất phụ tùng máy bay mà còn hiểu rõ các yêu cầu kỹ năng và chứng chỉ cần thiết để phát triển trong ngành này.
Hình: Đại biểu được tham quan, tiếp xúc với quy trình sản xuất phụ tùng máy bay và hiểu thêm về các yêu cầu kỹ năng cũng như các chứng chỉ cần thiết để phát triển trong ngành.
Tiếp tục với phần hội thảo, các diễn giả đã mang đến nhiều chia sẻ giá trị về vai trò của STEM trong định hướng nghề nghiệp. Trong phần tiếp theo, các diễn giả đã mang đến những bài nói sâu sắc về vai trò quan trọng của giáo dục STEM trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – Phó Hiệu trưởng Đại học Phenikaa, thành viên Ban Điều hành EdulightenUp – đã nhấn mạnh: “STEM không chỉ là nền tảng kiến thức mà còn là công cụ để học sinh phát triển tư duy phản biện và kỹ năng sáng tạo, chuẩn bị sẵn sàng cho một tương lai bền vững.” Theo thầy Khánh, giáo dục STEM không chỉ là công cụ truyền đạt kiến thức mà còn là chìa khóa để mở ra tư duy sáng tạo, phản biện cho học sinh, giúp các em dễ dàng hòa nhập và phát triển trong các lĩnh vực công nghệ cao. Những chia sẻ này đã truyền động lực mạnh mẽ đến các đại biểu, đặc biệt là các nhà giáo và quản lý giáo dục, khuyến khích họ đồng hành cùng học sinh trong việc khám phá và xây dựng đam mê với các lĩnh vực công nghệ. Qua đó, Thầy Khánh đã giúp các đại biểu nắm rõ hơn về tiềm năng nghề nghiệp của STEM trong lĩnh vực này, đồng thời định hướng cụ thể hơn cho các chiến lược giảng dạy và hướng nghiệp.
Hình: PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – Phó Hiệu trưởng Đại học Phenikaa, thành viên Ban Điều hành EdulightenUp trình bày quan điểm về STEM.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong nước và quốc tế, ThS. Đỗ Thế Đăng đã cung cấp các câu chuyện thực tế và minh chứng sống động từ thị trường lao động cả trong và ngoài nước. Qua đó, ThS. Đỗ Thế Đăng đã giúp các đại biểu nắm rõ hơn về tiềm năng nghề nghiệp của STEM trong lĩnh vực này, đồng thời định hướng cụ thể hơn cho các chiến lược giảng dạy và hướng nghiệp.
Từ đây, ông cũng đã nêu thực tế tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, nhất là về mảng kỹ thuật hàng không tại Việt Nam.
Hình: ThS. Đỗ Thế Đăng – Phó Giám đốc Công ty TNHH Trường Hàng không New Zealand giới thiệu về tiềm năng của STEM trong lĩnh vực Hàng không và thực trạng tuyển dụng của các doanh nghiệp trong vào ngoài nước.
Các đại biểu khác, như đại diện từ THPT Mạc Đĩnh Chi Hải Phòng, Học viện Success Education và các nhà tài trợ, cũng bày tỏ mong muốn tổ chức thêm nhiều trải nghiệm tương tự cho học sinh nhằm gắn kết chặt chẽ hơn giữa giáo dục STEM và nhu cầu tuyển dụng thực tiễn. Những câu chuyện thực tế của các em học sinh sau các buổi hướng nghiệp giúp đại biểu càng thêm tin tưởng vào giá trị mà STEM có thể mang lại.
Anh Trần Công Tú – Nhà tài trợ, Công ty TNHH Dịch vụ Du học Du lịch TCT Group không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn trực tiếp chia sẻ về tầm quan trọng của những trải nghiệm thực tế trong hướng nghiệp. Anh Tú cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, đưa thêm nhiều học sinh đến tham quan, trải nghiệm tại các doanh nghiệp kỹ thuật hàng không, góp phần kết nối giữa nhà trường và nhu cầu thực tiễn từ thị trường lao động.
Thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng THPT Mạc Đĩnh Chi Thành phố Hải Phòng chia sẻ cẩm thấy vui mừng, và thấy vô cùng thú vị khi được tham gia buổi hội thảo, và mong muốn thời gian tới, trường sẽ lựa chọn các em học sinh đến tham quan trải nghiệm.
Cô Đặng Thị Thu Hà – giáo viên Công Nghệ và hoạt động trải nghiệm của trường Amsterdam – đã xúc động chia sẻ về quá trình tiếp cận và giảng dạy STEM cho học sinh của mình. Cô Hà kể lại câu chuyện của một học sinh sau khi được cô hướng nghiệp đã quyết định theo đuổi ngành Kỹ thuật Hàng không, minh chứng rằng khi được hướng dẫn đúng cách, học sinh sẽ tìm thấy đam mê và mục tiêu rõ ràng.
TS. Vũ Việt Anh – Học viện Success Education: Với kinh nghiệm quốc tế, TS. Việt Anh đã cung cấp những góc nhìn mới mẻ về mô hình giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp đang được áp dụng thành công tại các quốc gia tiên tiến.
Anh khuyến khích các giáo viên nên áp dụng những phương pháp mới, tạo không gian sáng tạo để học sinh có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình, và nhấn mạnh rằng hướng nghiệp là một hành trình lâu dài mà giáo viên cần đồng hành và khơi dậy đam mê trong mỗi học sinh.
Hình: TS. Vũ Việt Anh – Học viện Success Education
PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ về tầm quan trọng của quản lý giáo dục và nhấn mạnh rằng hội thảo này có mục tiêu mở rộng định hướng nghề nghiệp trong giáo dục. Cô cho rằng vai trò của giáo viên không chỉ dừng ở việc truyền đạt kiến thức mà cần phải nuôi dưỡng khát vọng nghề nghiệp của học sinh, giúp các em tự tin và chủ động theo đuổi đam mê.
Hình: PGS.TS Chu Cẩm Thơ
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền đồng cảm với chia sẻ của các đồng nghiệp. PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền mong muốn mở rộng hội thảo đến nhiều giáo viên và học sinh hơn, giúp xây dựng một mạng lưới kết nối bền vững giữa các thành viên và tạo ra những cơ hội tiếp xúc thực tế với ngành công nghệ cao cho các em học sinh.
Khép lại buổi hội thảo, anh Nguyễn Thao - Phó Tổng Giám đốc AESC, một lần nữa khẳng định cam kết của AESC trong việc phát triển xanh của công ty, cũng như mục tiêu hướng tới kết nối đào tạo và nghề nghiệp. Anh cũng chia sẻ về niềm vui khi có cơ hội đóng góp cho cộng đồng giáo dục, mở ra hướng đi đầy hứa hẹn cho các em học sinh yêu thích ngành kỹ thuật hàng không.
Hội thảo “HƯỚNG NGHIỆP QUA TRẢI NGHIỆM STEM: CASE STUDY TỪ LĨNH VỰC KỸ THUẬT HÀNG KHÔNG” không chỉ là cơ hội tiếp cận kiến thức mà còn là hành trình truyền cảm hứng cho các bạn trẻ định hình rõ nét con đường nghề nghiệp tương lai. Sự kiện đã mở ra những kết nối quan trọng giữa giáo dục STEM và ngành hàng không, mang đến cơ hội cho các em học sinh đam mê khám phá, sáng tạo và sẵn sàng chinh phục các lĩnh vực công nghệ cao.
(Nguồn: Báo giáo dục thời đại)
Comments